Lịch trình tham quan Rome của khách du lịch không bị ảnh hưởng dù Giáo hoàng qua đời, tuy nhiên các bảo tàng Vatican và nhà nguyện Sistine sẽ tạm thời đóng cửa.
Sự qua đời của Giáo hoàng Francis I trong ngày 21/4 đã khiến 1,3 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn cầu bày tỏ lòng thương tiếc sâu sắc. Điều này cũng khiến không ít người lo ngại về việc di chuyển và du lịch tới Rome, Italy, do Tòa thánh Vatican - nơi ở của Giáo hoàng - nằm trong lòng thành phố.
Trong thời gian 9 ngày quốc tang, các hoạt động giải trí tại Rome có thể giảm nhiệt, song lịch trình tour châu Âu khám phá thành phố của du khách sẽ không gặp nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, hai điểm đến quan trọng trong Vatican là Bảo tàng Vatican và nhà nguyện Sistine sẽ đóng cửa để phục vụ công tác tổ chức tang lễ. Ngoài ra, một số cửa hàng và nhà hàng tại Rome cũng sẽ ngừng hoạt động nhằm thể hiện lòng kính trọng đối với Đức Giáo hoàng.
Nhà nguyện Sistine, nơi tổ chức Mật nghị Hồng y để bầu chọn Giáo hoàng kế nhiệm, sẽ không đón khách ít nhất trong hai tuần tới. Đây là một cuộc họp kín của Hồng y đoàn để lựa chọn Giám mục thành Rome - người sẽ trở thành Giáo hoàng tiếp theo của Giáo hội Công giáo.
Dù nhà nguyện đóng cửa, Bảo tàng Vatican vẫn mở cửa phục vụ du khách, tuy nhiên sẽ điều chỉnh lối vào theo tuyến mới, theo công ty du lịch địa phương Through Eternity Tours. Các chuyến tham quan khu vườn Vatican sẽ bị hoãn lại vì lý do an ninh, do đây là lộ trình di chuyển của các Hồng y từ nhà nguyện đến nơi lưu trú trong khuôn viên.
Tour có hướng dẫn vào Vương cung thánh đường St Peter cũng bị tạm ngừng vì tuyến đường này đi qua nhà nguyện Sistine. Trong suốt những ngày quốc tang, khu vực mái vòm của nhà thờ cũng bị đóng cửa. Nếu muốn tận mắt nhìn thấy Giáo hoàng nằm trong Vương cung thánh đường St Peter, du khách cần chuẩn bị tinh thần xếp hàng lâu do lượng tín đồ và khách đổ về sẽ rất đông. An ninh khu vực này cũng siết chặt hơn bình thường, nhất là khi năm 2025 Vatican xác định là Năm Thánh.
Xem thêm: Vatican: 7 điểm đến hút khách trong ‘Năm Thánh 2025’
Quảng trường St Peter vẫn mở cửa đón khách, song sẽ chật kín bởi dòng người địa phương, du khách và truyền thông quốc tế đến đưa tin về sự kiện trọng đại này.
Việc Giáo hoàng qua đời chính thức xác nhận bởi Hồng y Kevin Farrell - người tạm quản lý Vatican - khi ông gọi tên Đức Giáo hoàng ba lần bên giường. Văn phòng và nơi ở cá nhân của Đức Francis sẽ niêm phong. Nhẫn Ngư phủ - một phần quan trọng trong phẩm phục của Giáo hoàng - sẽ tháo ra và phá hủy bằng búa. Thi hài Đức Giáo hoàng sẽ mặc áo choàng đỏ, đội mũ trắng và quàn tại Vương cung thánh đường St Peter trong ba ngày.
Tang lễ sẽ kéo dài trong 6 ngày, sau đó thi hài Giáo hoàng sẽ an táng tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở khu Esquilino, Rome, thay vì trong các hầm mộ dưới lòng St Peter như truyền thống. Sau 9 ngày tang lễ, Hội đồng Hồng y sẽ họp tại Rome để lựa chọn người kế vị Giáo hoàng Francis I. Chỉ những Hồng y dưới 80 tuổi mới có quyền bỏ phiếu. Mật nghị có thể diễn ra trong một ngày hoặc kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng, tùy theo mức độ đồng thuận. Tân Giáo hoàng công bố khi đạt 2/3 số phiếu.
Bên ngoài, tín đồ và khách du lịch tập trung tại quảng trường St Peter sẽ theo dõi tín hiệu từ ống khói nhà nguyện Sistine sau mỗi vòng bỏ phiếu. Khói đen cho thấy chưa có kết quả, trong khi khói trắng báo hiệu đã chọn Giáo hoàng mới.
Khói tạo ra từ việc đốt các lá phiếu, pha thêm thuốc nhuộm để phân biệt màu sắc trắng hoặc đen. Sau khi hoàn tất thủ tục trong nhà nguyện, vị Giáo hoàng mới sẽ bước ra ban công nhìn ra quảng trường St Peter và gửi lời phát biểu đầu tiên tới các tín đồ đang hồi hộp chờ đón.