Liên hệ
Việt Nam
English
Cẩm nang du lịch

Loại phomai Ý khiến du khách 'rùng mình'

20/05/2025
33

Nếu bạn lần đầu trông thấy món Casu Marzu, rất có thể sẽ phải ngoảnh mặt đi vì bên trong khối phô mai truyền thống này là vô số con giòi trắng đang ngọ nguậy

Casu marzu – tên gọi có nghĩa là “phô mai thối” – là một trong những đặc sản lâu đời nhất của đảo Sardinia, vùng đất nằm giữa biển Tyrrhenian với đường bờ biển trải dài gần 1.850 km. Hòn đảo nổi bật với những bãi cát trắng hoang sơ, làn nước xanh màu ngọc bích và địa hình đồi núi trập trùng. Chính từ nơi này, những người chăn cừu đã tạo ra món phô mai đặc biệt, nổi tiếng đến mức được ghi vào sách Guinness năm 2009 là “loại phô mai nguy hiểm nhất thế giới”.

Casu marzu được chế biến từ loại phô mai sữa cừu truyền thống. Người ta cố tình để loài ruồi Piophila casei đẻ trứng lên khối phô mai. Khi trứng nở thành giòi, chúng bắt đầu phân hủy chất béo trong phô mai, thúc đẩy quá trình lên men để tạo ra kết cấu mềm mịn đặc trưng. Phần “kem phô mai” này được người dân địa phương đánh giá là có vị cay nồng, hương thơm đậm đà gợi nhớ những cánh đồng Địa Trung Hải – nhưng điều này không ngăn được sự ái ngại của nhiều du khách khi nhìn thấy đàn giòi còn đang bò trên bề mặt.

Casu marzu

Xem thêm: Tiệm cà phê 400 năm tuổi ở Hà Lan đóng cửa trong tiếc nuối

Dù hình ảnh dễ gây e ngại, nhưng nếu vượt qua được cảm giác ban đầu, casu marzu sẽ đem đến trải nghiệm vị giác độc đáo. Một số người thậm chí so sánh hương vị của nó như một loại "chất kích thích", đánh thức mọi giác quan. Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng món ăn này có thể gây rủi ro sức khỏe do giòi có khả năng sống sót sau khi bị nuốt, làm tổn thương thành ruột. Dù vậy, hiện chưa từng có trường hợp nào được ghi nhận gặp biến chứng vì ăn casu marzu.

Người dân Sardinia đã gắn bó với món ăn này qua hàng thế kỷ. Với họ, casu marzu không chỉ đơn thuần là một món đặc sản mà còn là biểu tượng truyền thống của vùng đất này. Paolo Solinas, một thanh niên 29 tuổi, chia sẻ rằng chính những con giòi mới là điều làm nên hương vị độc đáo của món phô mai. Trong khi đó, nhà báo Giovanni Fancello, năm nay đã 77 tuổi, kể rằng cha ông từng coi casu marzu như “món quà thiêng” từ các vị thần và thường làm nó để tặng người thân vào những dịp đặc biệt.

Phô mai thường được sản xuất vào cuối tháng 6, khi thời tiết ấm áp giúp ruồi sinh sản thuận lợi hơn. Sau khoảng ba tháng lên men, món ăn sẵn sàng để thưởng thức. Điều đặc biệt là dù bị cấm bán thương mại, người dân nơi đây vẫn tiếp tục làm và chia sẻ casu marzu như một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực truyền thống. Mỗi lần có du khách đề cập đến lệnh cấm, người dân địa phương thường chỉ mỉm cười – bởi với họ, món ăn này là biểu tượng niềm tự hào, không thể thay thế.

Dù vậy, kể từ năm 1962, pháp luật Italy đã cấm buôn bán casu marzu do quy định về an toàn thực phẩm, với mức phạt lên tới 60.000 USD cho những ai vi phạm. Món ăn hiện chỉ được sản xuất thủ công và trao đổi trong phạm vi cá nhân. Nhiều người hy vọng trong tương lai, casu marzu có thể được công nhận chính thức như một sản phẩm di sản văn hóa, đại diện cho bản sắc vùng Sardinia.

Ngày nay, khi đến Sardinia, ngoài việc thưởng thức món lợn sữa quay porceddu sardo, bánh mì dẹt pane carasau hay các loại phô mai cứng fiore sardo, nếu bạn đủ can đảm, hãy tìm hiểu về casu marzu. Đừng nhìn nó như một "món dị", mà hãy xem đó là minh chứng sống động cho nỗ lực gìn giữ truyền thống qua hàng thế kỷ của người dân hòn đảo Địa Trung Hải này.

Tin tức chuyên mục khác

GPKD. Số 0108062876 do sở KH&ĐT HN cấp ngày 11/06/2018

GPQT. Số GP/No: 01-622_/2018 / TCD-GP LHQT

Chấp nhận thanh toán
Thanh toán
Đã thông báo