Lumbini, thuộc miền nam Nepal, không chỉ biết đến là nơi ghi dấu sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là điểm hành hương thiêng liêng thu hút hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới tìm về với lòng thành kính.
Câu chuyện về Phật giáo bắt đầu từ một đêm trăng tròn cách đây hơn 2.600 năm tại Lumbini – vùng đồng bằng Terai yên bình. Theo sử liệu và truyền thuyết, vào năm 623 trước Công nguyên, trên đường trở về quê mẹ để sinh con, Hoàng hậu Mayadevi đã dừng chân nghỉ tại khu vườn Lumbini. Tại đây, bà thanh tẩy mình trong một hồ nước, nghỉ ngơi dưới bóng cây sala và hạ sinh Thái tử Siddhartha – người sau này giác ngộ và trở thành Đức Phật.
Tương truyền, ngay khi vừa chào đời, Thái tử đã đi bảy bước về phương Bắc, ngước nhìn trời đất và tuyên bố đây sẽ là kiếp sống cuối cùng của mình – một dấu hiệu thiêng liêng về con đường giác ngộ sắp mở ra. Sau đó, Ngài được tắm trong chính hồ nước mà mẹ đã sử dụng trước khi sinh nở.
Tầm quan trọng của nơi này được củng cố bằng chứng cứ lịch sử xác thực: vào năm 249 trước Công nguyên, vua Ashoka – vị hoàng đế Phật tử nổi tiếng của Ấn Độ – đã đến đây chiêm bái và cho dựng một trụ đá khắc sắc lệnh xác nhận nơi đây chính là chốn hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử. Kể từ đó, Lumbini trở thành một trong những trung tâm hành hương quan trọng nhất của Phật giáo toàn cầu.
Ngày nay, khu vực Lumbini được quy hoạch thành một quần thể di sản tôn giáo và khảo cổ với nhiều dấu tích liên quan trực tiếp đến thời khắc Đức Phật ra đời. UNESCO đã công nhận Lumbini là Di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí nổi bật: là nơi ra đời của Đức Phật và sở hữu hệ thống di tích Phật giáo có giá trị khảo cổ trải dài hơn 1.000 năm. Nhiều di tích nằm ngoài khu chính hiện vẫn đang tiếp tục được khai quật và bảo tồn.
Xem thêm: Tượng Phật lớn – địa danh du lịch nổi tiếng nhất của Phuket
Trung tâm khu di tích có nhiều công trình tiêu biểu như hồ Shakya – nơi Hoàng hậu Mayadevi từng tắm trước khi sinh, ngôi đền Mayadevi cổ kính bảo tồn nền gạch có niên đại từ thế kỷ III TCN, và đặc biệt là trụ đá Ashoka với dòng chữ Pali cổ xác lập giá trị lịch sử không thể chối cãi. Bên cạnh đó, khu vực còn lưu giữ dấu tích của nhiều tu viện và bảo tháp Phật giáo có niên đại kéo dài từ thế kỷ 3 TCN đến thế kỷ 15, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử.
Khu vườn Lumbini hiện do chính phủ Nepal quản lý và phát triển, dựa theo quy hoạch tổng thể do kiến trúc sư người Nhật Bản Kenzo Tange thiết kế từ năm 1972 đến 1978. Trong quá trình bảo tồn, một trong những thách thức lớn nhất là cân bằng giữa việc đón tiếp lượng du khách ngày càng gia tăng và việc kiểm soát tác động từ các hoạt động công nghiệp quanh vùng, nhằm duy trì tính bền vững cho di sản.
Đặt chân đến Lumbini là một hành trình thiêng liêng với nhiều Phật tử, đánh dấu khoảnh khắc trở về nguồn cội tâm linh sau bao năm tìm kiếm. Ngoài đền thờ Mayadevi và khu vườn cổ kính, nơi đây còn có hơn 30 tu viện từ nhiều quốc gia, các trung tâm thiền định và công viên tĩnh lặng tạo nên không gian thanh tịnh cho người hành hương.
Lumbini không chỉ là nơi khởi nguồn Phật giáo mà còn lưu giữ những địa danh gắn bó với tuổi thơ của Đức Phật. Du khách có thể đến thăm nơi Ngài từng sống trong cung điện, ghé thăm quê ngoại của Hoàng hậu Mayadevi, hoặc đứng tại cổng thành – nơi Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cuộc sống vương giả để bắt đầu hành trình tìm đạo.
Cùng với Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Đức Phật thành đạo, Vườn Lộc Uyển – nơi Ngài giảng bài pháp đầu tiên, và Câu Thi Na – nơi Ngài nhập Niết bàn, Lumbini là một trong bốn Thánh địa tối cao (Tứ động tâm) của Phật giáo. Đây chính là nơi kết nối quá khứ linh thiêng với hiện tại hành hương, là chốn mà mỗi bước chân đều chạm vào lịch sử, vào niềm tin và vào lòng thành kính hướng về Đức Phật.